Lượt xem: 634

Công bố Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022

Ngày 1/8, Lễ Công bố Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 (AMDER 2022) đã được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại thành phố Cần Thơ.

 


Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng tham dự lễ công bố

 

    Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng tham dự lễ công bố.

    Kết quả nghiên cứu và báo cáo cho thấy, điểm sáng lớn nhất của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong hai năm 2020-2021 là nông nghiệp. Vượt qua những tác động bất lợi từ dịch bệnh trong năm 2021, khu vực nông nghiệp của ĐBSCL vẫn tăng trưởng mạnh (3,4%), cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Xuất khẩu nông sản, thủy sản của vùng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại cho Việt Nam. Tuy nhiên, một mình ngành nông nghiệp không đủ sức vực dậy nền kinh tế ĐBSCL vì khu vực công nghiệp và dịch vụ chiếm tới hơn 70% GRDP của vùng đều tăng trưởng âm.

    Đối với tỉnh Sóc Trăng, sau khi thực hiện quyết định về phân chia 4 vùng trong quá trình thực hiện Chỉ thị 16 về phòng, chống COVID-19 đã có sự khác biệt rõ nét. Tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng dương vào cuối năm 2021, cho thấy sự điều hành linh hoạt của các cấp lãnh đạo, và sự quyết liệt trong thực hiện phòng, chống dịch và phát triển kinh tế.

    Tuy nhiên cùng với ĐBSCL, Sóc Trăng cũng đang đứng trước thử thách của 3 vòng xoáy: “Vòng xoáy ngân sách” phản ánh tình trạng thiếu đầu tư trầm trọng ở ĐBSCL; “Vòng xoáy lao động” xuất phát từ tình trạng thiếu cơ hội việc làm nên lao động trẻ di cư từ ĐBSCL đến các khu vực đô thị và công nghiệp ở Đông Nam bộ; “Vòng xoáy cơ cấu kinh tế” là căn nguyên của 2 vòng xoáy trên.  Vì vậy, thông điệp chủ chốt trong Báo cáo Kinh tế thường niên 2022 là chỉ bằng cách phá vỡ một số mắt xích của các vòng xoáy đi xuống về kinh tế - xã hội - môi trường, sau đó đảo ngược thành các vòng xoáy đi lên thì ĐBSCL mới có thể chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần cho người dân đồng bằng bền vững hơn.

    Trước những thách thức, khó khăn mà ĐBSCL đang phải đối mặt, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã dành nhiều quan tâm và chỉ đạo với nhiều chủ trương, chính sách. Gần đây nhất là Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến 2030, tầm nhìn đến 2045. Chính phủ cũng vừa phê duyệt Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 vào tháng 2/2022 và công bố vào tháng 6/2022. Đây là cơ sở để quy hoạch và định hình lại quá trình sản xuất và phát triển kinh tế, xã hội ĐBSCL trên cơ sở phát triển bền vững, biến thách thức thành cơ hội, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hiệu quả, phát triển từ phân tán sang tập trung, tăng cường liên kết ĐBSCL với Thành phố Hồ Chí Minh  và Đông Nam bộ… Đây có thể nói là cơ hội và là nền tảng mới cho ĐBSCL định hình và có được mô hình phát triển mới.

Thanh Khiết



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 41
  • Hôm nay: 8295
  • Trong tuần: 79,002
  • Tất cả: 11,802,322